Dựa theo cách thức tạo ra máy chủ, người ta phân thành 3 loại chính như sau :
- Dedicated server (máy chủ riêng): là một máy chủ chạy trên phần cứng với đầy đủ các thiết bị như HDD, RAM… như một máy tính thông thường và việc nâng cấp máy chủ đòi hỏi nâng cấp phần cứng.
- VPS (Virtual Private Server – máy chủ ảo ): là loại máy chủ được hình thành bằng cách phân chia tài nguyên trên một máy chủ gốc thông qua phương pháp ảo hóa. Việc nâng cấp máy chủ được thực hiện dễ dàng thông qua phần mềm quản lí hệ thống và bị ràng buộc bởi thông số của máy chủ gốc.
- Cloud server (máy chủ đám mây): là máy chủ được kết hợp nhiều từ máy chủ vật lý khác nhau cùng với hệ thống lưu trữ SAN với tốc độ truy xuất vượt trội giúp máy chủ hoạt động nhanh, ổn định, hạn chế mức thấp tình trạng downtime (khoảng thời gian máy tính tạm dừng hoạt động). Máy chủ cloud được xây dựng trên nền công nghệ điện toán đám mây nên dễ dàng nâng cấp từng phần thiết bị trong quá trình sử dụng mà không làm gián đoạn quá trình sử dụng máy chủ.
Dựa vào chức năng, người ta thường chia thành các loại máy chủ sau:
- Máy chủ web (Web Server) là máy chủ thực hiện chức năng chủ yếu là mang trang web đến cho khách hàng. Khách hàng và máy chủ liên hệ với nhau bằng giao thức HTTP (Hypertext Transfer Protocol). Nội dung được hiển thị chủ yếu dưới dạng tài liệu HTML (Hypertext Markup Language) bao gồm hình ảnh, chữ, đoạn mã…
- Máy chủ Database (Database Server) là máy chủ mà trên đó có cài đặt phần mềm Hệ quản trị cơ sở dữ liệu. Chúng ta có hệ quản trị CSDL chẳng hạn như: SQL server, MySQL, Oracle…
- Máy chủ FTP (FTP server): FTP (viết tắt của File Transfer Protocol dịch ra là "Giao thức truyền tập tin") là giao thức chuẩn để truyền tải tập tin từ 1 máy chủ sang 1 máy khác dựa vào mạng lưới – chủ yếu là mạng Internet. FTP server được xây dựng dựa trên kiến trúc máy chủ - máy khách, sử dụng hệ thống điều khiển và kết nối dữ liệu riêng biệt.
- Máy chủ DNS (DNS Server) là máy chủ phân giải tên miền. Mỗi máy tính, thiết bị mạng tham gia vào mạng Internet đều kết nối với nhau bằng địa chỉ IP (Internet Protocol). Để thuận tiện cho việc sử dụng và dễ nhớ ta dùng tên (domain name) để xác định thiết bị đó. Hệ thống tên miền DNS (Domain Name System) được sử dụng để ánh xạ tên miền thành địa chỉ IP.
- Máy chủ DHCP (DHCP server): DHCP (Dynamic Host Configuration Protocol - giao thức cấu hình động máy chủ) là một giao thức cấu hình tự động địa chỉ IP. Máy tính được cấu hình một cách tự động vì thế sẽ giảm việc can thiệp vào hệ thống mạng. DHCP server là máy chủ có cài đặt dịch vụ DHCP, nó có chức năng quản lý sự cấp phát địa chỉ IP động và các dữ liệu cấu hình TCP/IP. Ngoài ra còn có nhiệm vụ trả lời khi DHCP Client có yêu cầu về hợp đồng thuê bao.